top of page

TOP10 - Bài tiếng Việt: VN017

Để chọn bài này cho Giải Công chúng, hãy gửi code "VN017 - Giải công chúng" cho chúng tôi qua email: concoursdecriturevietnam@gmail.com.





Việt Nam

và những tiềm năng của Mùa thứ 5


Bốn mùa của thiên nhiên cũng là bốn mùa tạo ra nhiều đắn đo nhất cho mỗi chuyến du lịch, dù của người Việt trong nước, người Việt ở nước ngoài, hay người nước ngoài muốn đi du lịch ở Việt Nam. Ai cũng muốn lựa chọn cho mình một mùa lý tưởng để đi khám phá được thật nhiều nơi nhất, trong điều kiện thời tiết đẹp nhất để đạt được một hành trình như mong đợi của mình. Nhưng bốn mùa của thiên nhiên sẽ có cái hạn chế của mình : về nắng, về mưa, về mùa ít lễ hội, về khác biệt khí hậu ở các vùng miền, mùa quá đông du khách, mùa quá vắng hoạt động, lễ hội,… những yêu tố này tạo ra sự phân vân, thậm chí so sánh giữa lựa chọn Việt Nam như một điểm đến cho kỳ nghỉ của mình, hay sẽ chọn một đất nước khác.


Chính vì vậy, để xóa đi sự phân vân, đắn đo này của người nước ngoài, ngay cả của người Việt Nam, chúng ta cần đến Mùa thứ 5 để tận dụng và khai thác những tiềm năng hiện có, mà theo thiển ý của tôi, có cái đang bắt đầu được chú trọng, có cái vẫn đang luôn ở dạng tiềm năng ẩn. Nhưng đầu tiên phải hiểu về Mùa thứ 5 là gì ? Đối với tôi, Mùa thứ 5 là một mùa không phải mùa thời gian, không phải vùng miền không gian, không có phân chia theo đa số hay thiểu số ; đó là Mùa văn hóa bản sắc dân tộc tập hợp các vùng miền, các mùa, các không gian, thời đại. Theo đó thì ta có thể nhìn từ góc độ của một người công dân toàn cầu đối với Mùa thứ 5 của Việt Nam để thấy một tổng thể bao gồm hoa văn đặc trưng của 54 dân tộc, không chỉ của dân tộc Kinh, bao gồm các lễ hội văn hóa và hình ảnh biểu tượng bằng vật chất của tất cả dân tộc anh em Việt Nam, thấy dòng chảy liên tục của hơn 8000 lễ hội trong năm ở Việt Nam, thấy bản đồ các địa điểm thiên nhiên lẫn lịch sử, văn hóa ở khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S. Mùa thứ 5 kết nối tất cả 54 dân tộc với nhau tạo thành một tinh thần chung đối với người Việt Nam, và thành một biểu tượng văn hóa dân tộc thuần nhất của Việt Nam trước người nước ngoài.

Nói về các tiềm năng hiện có để tạo ra một Mùa thứ 5, chúng ta có thể kể đến những yếu tố như sau :




- Kiến trúc.

Mọi người có tự hỏi rằng kiến trúc Việt Nam hiện nay bị Tây hóa rất nhiều không ? Và rằng nếu cần nói về kiến trúc truyền thống Việt Nam, chúng ta sẽ nói về điều gì ? Và nữa là, nếu cần xây dựng các công trình hiện đại với các motif truyền thống của Việt Nam, chúng ta sẽ xây như thế nào ? Tại sao nhà ba gian không được tái hiện lại theo thiết kế thời đại năng động hơn ? Tại sao mái đình, chùa, gạch ngói, gạch lưu ly không được dùng cho những công trình liên quan, tất nhiên dưới một hình thức tân tiến ? Lẽ nào chúng ta phải chọn bỏ truyền thống để được hiện đại, hay nói ngược lại, cứ suy nghĩ rằng nếu giữ truyền thống thì không thể hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước ? Những kết cấu nhà rông, nhà làng quê Bắc bộ, nhà làng quê Nam bộ, tháp Champa, trường Quốc học, Quốc tử giám, vườn hoa truyền thống Huế, v.v. đều được xem chỉ ở những nơi di tích lịch sử hoặc làng quê chưa được hiện đại hóa. Chúng ta có thể áp dụng vào những công trình hiện đại để những tòa nhà, những chung cư hiện đại, những công trình Nhà nước, hội họp, quảng trường, vườn hoa công cộng của Việt Nam kết hợp được hai yếu tố : thời đại và truyền thống. Có như vậy, khi đang ngồi trong một xe taxi và nhìn đường phố, chúng ta sẽ thấy được ngay dấu ấn văn hóa dân tộc và biết mình đang ở Việt Nam vì con đường ấy không giống hệt như những con đường đầy cao ốc ở những nước khác.




- Âm nhạc.

Hiện nay, âm nhạc Việt Nam có vẻ được chia thành hai mảng rõ rệt : âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Và vì vậy, người nghe cũng chia ra thành hai dạng công chúng : người thích nghe nhạc dân tộc thì ít nghe hiện đại, và giới trẻ thì ít nghe nhạc truyền thống. Sự phân chia này bất lợi cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam vì những bài truyền thống thì vẫn theo lối cũ, và ít nhạc sĩ sáng tác mới vì suy nghĩ, cảm nhận cũng đã mang dấu ấn thời đại mình, không thể nào viết như thời đại trước được, và những bài nhạc mới thì quá cách xa nhạc truyền thống với những ảnh hưởng từ nước ngoài và sự thiết nền tảng, hay chính xác là thiếu quan tâm, đối với nhạc truyền thống. Âm nhạc là một loại hình thể hiện văn hóa dân tộc của một nước rất rõ ràng, và thể hiện sự văn minh, sự cởi mở của một đất nước. Nếu có thể phối hợp, kết hợp những yếu tố đa dạng trong văn hóa vào âm nhạc thì chắc chắn âm nhạc của Việt Nam sẽ rất đa dạng và đặc trưng hơn tình hình hiện nay. Nhất là âm nhạc của các dân tộc chưa có điều kiện phổ biến ở các thành phố lớn, và chưa có sự đầu tư, tìm tòi để đưa vào các bản phối nhạc hiện đại.




- Văn học và Sáng tác nghệ thuật (hội họa, mỹ thuật, …).

Khi tôi tìm đọc những tác phẩm hiện nay mang phong cách viết của thời đại, tôi thấy đa số hoặc là nhạt nhẽo về chủ đề, hoặc là cực đoan thể hiện cái tôi. Dĩ nhiên có những tác giả viết hay, nội lực tốt, nhưng nhìn chung là các tác giả trẻ có phông nền về văn hóa Việt Nam chưa thật sâu, lại càng thiếu đối với mảng dân tộc học, lịch sử, xã hội, và đặc biệt là hướng nhìn ra thế giới. Những tác giả hiện đại mà tôi thích như Chu Lai, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn,… là những người, đối với riêng tôi, có những câu chuyện thật sự đặc sắc, có giọng văn đặc trưng, và có cách nhìn với cuộc sống đa dạng, đa chiều, sâu sắc, tinh tế, vừa kể về cuộc đời của những người Việt Nam vừa mang dấu ấn của những người ở -đâu-cũng-có –thể-tìm-thấy trong mọi xã hội, đất nước. Nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng về mảng này vì người nước ngoài, người Việt Nam đôi khi chỉ cần qua một vài quyển sách, họ cảm thấy gắn bó hơn với một mảnh đất, một đất nước, một nền văn hóa, với điều kiện là quyển sách ấy giàu tính văn hóa và rộng tính nhân loại.



Mảng quan trọng nhất là Du lịch.

Mùa thứ 5 không thể thiếu những hành trình Du lịch. Đây cũng là mảng nhiều tiềm năng nhất dù đã và đang thực hiện nhiều dự án rồi, nhưng dường như, với tôi, Du lịch Việt Nam chưa thật sự khai thác vào cốt lõi của mình để bật lên. Để người nước ngoài đi du lịch Việt Nam nhiều hơn, chúng ta cần có những thông tin thật hấp dẫn, cụ thể và có thể tìm được ở những cửa hàng sách nổi tiếng ở các nước. Hiện giờ các sách du lịch của Việt Nam mà tôi tìm thấy đều viết theo cách nghiên cứu khoa học, hoặc quá nhiều chữ, quá ít hình, chưa chú trọng cách trình bày và tâm lý người đọc.



Thế nên, để tạo « đường đi » cho mọi người tìm đến với Việt Nam, phải có « nước bước » thật năng động và được đầu tư nhiều. Có « đường đi nước bước » thì chắc chắc sẽ có rất nhiều người cả Việt Nam lẫn nước ngoài trải nghiệm Mùa thứ 5 của Việt Nam. Khi chưa từng tiếp xúc hay đi đâu mà họ đã nghe được âm nhạc của vùng ấy trong những giai điệu hàng ngày, đã thấy phần kiến trúc trong cuộc sống của mình, đã đọc trong những quyển sách hay hướng dẫn về những mảnh đất vẫn là bí ẩn ấy với mình, thì sự thú vị và cảm tình sẽ thôi thúc họ xách ba-lô lên và đi, và sống, và giữ lại những kỷ niệm cùng cảm xúc khám phá không ngừng.



Tôi nhớ về Việt Nam đúng nghĩa là qua Mùa thứ 5 : những kỷ niệm, những phong tục, những gì cuộc sống đã từng diễn ra như thế khi tôi còn ở Việt Nam, những nơi đã đi du lịch cùng gia đình,… và đồng thời tôi cũng đang đi tìm lẫn lấp đầy khoảng trống Mùa thứ 5 ấy của mình bằng cách tìm đọc tại Pháp những quyển sách về Việt Nam, những quyển truyện mà thư viện Médiathèque Jean-Pierre Melville đem từ Việt Nam sang. Tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ phát triển những lĩnh vực thật sự xây dựng nên thế giới của « Mùa thứ 5 » trong lòng người Việt và người nước ngoài.


« Mùa thứ 5 » là chủ đề cuộc thi viết cảm nhận, tôi mong rằng khái niệm này sẽ thật sự đem lại những cảm hứng và hành động cụ thể trong thực tế để phát triển đất nước, chính xác hơn là phát triển mùa văn hóa dân tộc. Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng suy cho cùng, kinh tế là nền tảng để xây dựng những điều tạo ra thế giới, không phải là mục đích của một nền văn hóa, văn minh.



Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page