top of page

TOP10 - Bài tiếng Việt: VN013

Để chọn bài này cho Giải Công chúng, hãy gửi code "VN013 - Giải công chúng" cho chúng tôi qua email: concoursdecriturevietnam@gmail.com.





Đến bản Thang, nghe và tìm hiểu về hát Then



Có một lần tôi được đọc ở đâu đó có truyền thuyết kể rằng, thủa trước có anh chàng tên là Xiên câm, tuổi đã ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Sống một mình mãi chàng buồn moi lên Ngọc Hoàng xin làm cây đàn tính để khây khoả, người trời cho giống bầu làm bầu đàn cho cây gỗ mộc hương làm thân và dây tơ làm dây tính, chàng Xiên câm đã làm ra cây đàn tính 12 dây từ những vật liệu đó. Khi tiếng tính cất lên, người dân không còn biết cả ngủ, quên cả vụ mùa, bỏ bê công việc. Biết chuyện Ngọc Hoàng moi sai Pụt Luông xuống cắt đi 9 dây đàn để người dân thoát khỏi sự mê mẩn mà quay về với ruộng nương, đồng áng. Lời then kể về12 dây đàn rất hay, lời rằng:

« Dây một lên đường bách hạc

Dây hai nam bắc ngủ âm

Dây ba như tiếng ong kéo mật

Dây bốn ngân thánh thót ngũ canh

Dây năm ra tiếng then tàng nặm

Dây sáu cảnh ngũ sắc hoa xuân

Dây bảy vọng thanh tân mai túc

Dây tám ngân cửu khúc cười vui

Dây chín ngân mọi người buồn bã

Dây mười ngân rời rã chân tay

Dây mười một như lời tiên nói

Dây mười hai như lời yêu thương”

Huyền tích xa xưa ấy đã thôi thúc tôi tò mò, khám phá về nghệ thuật Then truyền thống. Lên Cao Bằng vào một ngày nắng, về cái nôi của Then, sống trong thế giới của Then, để hiểu, để yêu hơn nữa loại hình nghệ thuật truyền thống này.


Biết tôi muốn tìm hiểu về Then, cậu bé Nông Công Nam đã dẫn tôi đến làng của mình, có cái tên cũng đậm chất Tày, bản Thang. Đây là một làng nhỏ heo hút gần biên giới Trung Quốc, thuộc xã Minh Long, huyện Lạng Giang, cách thị trấn Cao Bằng khoảng 60 km.Cả làng chỉ có 15 hộ dân chủ yếu là người Tày, vẫn giữ được chủ yếu những sinh hoạt cổ truyền.


Chủ nhân của nghệ thuật Then là người Tày. Người Tày có mặt ở Việt Nam rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Theo như những gì tôi được giới thiệu tại bản Then, người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú với các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, múa nhạc nhưng phổ biến nhất là hát Then. Then đã trở thành một phần cuộc sống của người Tày vì nó xuất hiện trong tất cả những sinh hoạt hàng ngày. Khi vui người ta mời then, khi nhà có chuyện mời Then, người có bệnh mời Then, người hiếm muộn mời Then, Then không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Tày, nó đã trở thành một trong số tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng tộc người này.


Trước đây tôi nghĩ, hát Then đơn giản là một điệu hát nhưng hát Then còn là nghệ thuật trình diễn, ở đó người nghệ sĩ phải biết hát, biết đệm đàn và biết múa. Theo dân làng, then có hai dạng, then cổ là những bài Then sử dụng tiếng Tày cổ, không rõ tác giả sáng tác và then mới được viết bằng chữ quốc ngữ, biết rõ tác giả.

Ở khía cạnh tôn giáo tín ngưỡng, Then thực sự có sức hút kỳ lạ để tìm hiểu. Đó là nghi lễ gắn chặt với đời sống tâm linh của cộng đồng bao gồm nhiều loại khác nhau : then chữa bệnh, then chúc tụng, then bói, then cầu yên, then giải hạn, lẩu then.


Các thầy then chữ bệnh bằng hát then. Tiếng hát Then được xem như một liều thuốc tinh thần mang lại sự ổn định trong tâm linh cho người bệnh.

Then chúc tụng hát khi gia đình có việc vui mừng họ sẽ mời Then đến hát vui văn nghệ. Loại Then này người đến hát Then có thể là thày Then hoặc là những người biết hát Then biểu diễn.

Then bói là loại Then có thể biết được tướng số của người khác. Người đến xem phải mang theo một bát gạo, tiền vàng và đặt lễ lên ban thờ. Thày gảy đàn và hát, cứ sau mỗi lời hát thì thày lại quay ra phán một vấn đề, có thể là về đường đời, công danh, sự nghiệp hay đuờng tình duyên…Cách xem bói này là nét đặc trưng của những nghệ nhân làm Then, khác hẳn với cách xem của các thày thuộc dân tộc khác là họ đã sử dụng âm nhạc vào khi xem tướng số.


Then cầu yên, giải hạn là loại Then tiểu lễ được thực hiện theo yêu cầu của gia chủ, gồm các loại lễ như: chúc phúc, thượng thọ, nối số bắc cầu, kéo dài tuổi thọ, gọi vía trẻ đi lạc, cầu tự, giải phiền muộn…Then cầu yên thường diến ra vào đầu năm với mục đích cầu yên, giải hạn cho cả gia đình trong năm đó. Then giải hạn liên quan đến sự ốm đau, bệnh tật thất thường được làm bất kỳ thời gian nào trong năm.


Hội Then (lẩu Then) là loại Then đại lễ do nhiều thày Then tổ chức tại nhà Then để dâng cúng lễ vật cho tổ nghề...

Người dân bản cho tôi biết hầu hết các nghệ nhân đều làm các loại Then giống nhau: cầu an, giải hạn, kỳ yên trấn trạch, mừng thọ, cúng mụ, tạ mồ tạ mả, chữa bệnh, xem bói. Thời điểm làm Then diễn ra vào ban ngày hay ban đêm là tuỳ vào việc xem ngày tốt, giờ tốt.


Then tín ngưỡng được hát bởi những người hành nghề Then. Tùy theo cấp bậc trong nghề mà họ được gọi với các tên khác nhau: Mo, Then, Tào, Pụt. Họ là những người có khả năng liên hệ với thần linh, tiếp cận với thế giới siêu nhiên, là cầu nối giữa người trần với các đấng tự nhiên. Chính bởi đó họ có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng. Ông Then là người thuộc nhiều đường Then. Người làm Then phải là người có “Mình pang Then” (có căn Then) thích hợp cho việc làm thầy cúng, được cộng đồng tín nhiệm, nể trọng. Họ sử dụng lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Tôi nhận thấy những người làm Then tương tự giống ông đồng, bà đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh nhưng có điểm khác là nếu như ông Then gửi hồn mình lên trời để liên lạc với thần linh một cách chủ động thì ngược lại ông đồng lại là phương tiện để các thánh nhập vào một cách bị động.


Theo quan niệm của người Tày có ba tầng trời, mỗi Mường đều có người sinh sống, trần sao âm vậy và họ tin khi tiếng đàn tính cùng lời Then cất lên là lúc các ông Then đang bắt đầu cuộc hành trình với từng đường Then dẫn quan quân đi khắp ba tầng trời. Trong tàng Then Thống Đẳm (đưa đười chết về Mường trời), hay Pang Khoăn, Cấp Sắc, Cầu Hoa…đều thể hiện rất rõ quan niệm ấy. Qua lời Then người nghe có thể biết được quan quân của Then đã đến đâu trên Mường trời. Lời then cũng chỉ rõ đặc điểm của từng bản ở Mường Trời nơi quan quân Then đang qua. Điệu then khi trầm khi bổng, đôi lúc sôi động gấp gáp kết hợp với động tác mô phỏng cùng tiếng hò reo tạo khí thế quyết tâm của quan quân Then đồng thời xuất hiện yếu tố thiêng. Đặc biệt là trong Thống Đẳm, điệu hát cùng động tác lên ngựa hay đánh nhau với thủy quái, vượt Khái… khiến người xem hồi hộp, nín thở. Khi lên ngựa Then hát rằng: Phạt cờ khửn bưởng lăng tứn mạ/ Phạt cờ khửn bưởng nả tứn loan (phất cờ về phía sau lên ngựa/ phất cờ về phía trước xuất quân) đồng thời tay Then mô phỏng theo câu hát. Tiếng kèn mạy loi, tiếng trống mạy tảng reo lên, rồi cứ thế đoàn quan quân Then đi hết từ pá nhả khâm thai đét (bãi trà may chết nắng), rồi pá nhả lẹp thai mươi (bãi rau hẹ chết sương), đến ruộng rồi đến các bản trong Mường trời. Lời then cứ thế thủ thỉ, sôi động rồi lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi bản Then là một tâm trạng, một sắc thái, không khí.


Lắng nghe những lời hát Then, tôi thấy được cuộc sống chân thực của người dân Tày. Đó là môi trường miền núi với đặc trưng là nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc được phản ánh khá rõ trong hành trình Then mang lễ vật lên mường trời. Có thể nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất của người dân Tày hiện lên rất quen thuộc trong Then: đầu bản có giếng nước nguồn, trên cánh đồng có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu thả rông, v.v...


Nghe then, tôi hiểu thêm được tín ngưỡng bản địa của người dân nơi đây. Tất cả các vị thần trong quan niệm dân gian khi vào trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt như Thổ công, Táo công, các tướng nghề v.v... Thế giới của hồn vía cũng được cụ thể hoá trong Then. Trong những bài cúng cầu yên hoặc cúng giải hạn chữa bệnh, hồn vía được Then, Pụt hình dung như là một sinh linh mềm yếu, rất dễ bị cám dỗ, rất dễ bị tổn thương, muốn đưa hồn, vía về nhà thì phải vỗ về, dỗ dành đôi khi phải dọa dẫm, đe nẹt. Một số vị thần như Mẹ Hoa đã được biểu tượng hoá trong Then qua sự khắc họa tính cách nhân vật rất gần gũi với đời thực.


Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên trước hết Then là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Đối với những người làm nghề cúng bái thì làm nghề được linh nghiệm, được dân làng tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc. Những ước nguyện này được thể hiện chủ yếu qua lời cầu khấn và qua nội dung từng nghi lễ cụ thể, ví dụ qua các lễ kỳ an đầu năm, lễ chúc thọ cho cha mẹ, lễ cúng tạ Mẹ Hoa, các lẩu Then, Pụt v.v...

Ngoài ra, trong Then còn có khá nhiều nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật ngôn từ Then đã khắc họa nên những hình tượng nhân vật tương phản: Trai đần- trai giỏi, gái lười – gái chăm với ý nghĩa răn đe dạy dỗ người đời. Để khuyên răn con cái hiếu thảo với cha mẹ, Then ca ngợi tình mẫu tử. Để khuyên răn chị em gái, mẹ chồng nàng dâu không nên cãi lộn tranh vợ cướp chồng, Then kể về cuộc sống buồn tẻ cô quạnh của họ sau khi chết trên mường trời. Để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, Then miêu tả cuộc chia tay đầy cảm động của một đôi vợ chồng suông trong chương Suôi suông (tức Khảm hải – Vượt biển), v.v... Then cũng tỏ bày lòng cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn như những người tật nguyền, người chết thảm, những trẻ mồ côi, những cô gái xinh đẹp nhưng bị ép duyên hoặc phận mỏng, v.v...Cậu bé Nông Công Nam nói với tôi rằng hiện nay Then vẫn được sử dụng để khuyên răn người dân tránh xa các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút.


Then có tính chất nhân văn rất cao. Trong khúc hát dành cho người đã khuất, lời then khi đến chợ Tam Quan thể hiện khát vọng một cuộc sống ấm no, đầy đủ, câu hát rộn rã, tấp nập, hồ hởi, lạc quan, thấm vào từng cá thể đang sống nơi trần thế. Lời Then cho người sống an tâm về linh hồn người đã mất. Những linh hồn ấy đã được Then đưa về mường Tổ tiên, được mua sắm đầy đủ, ấm nó, có ruộng có vườn, có trâu, có của. Còn với Pang Khoăn lời Then tạo niềm tin cho người bệnh, những người đang gặp hoạn nạn khó khăn để vượt lên số phận, cải tạo số phận, là liều thuốc giúp họ vượt qua mọi trở ngại bệnh tật để sống. Nội dung này chủ yếu được thể hiện trong lời Then thuộc lớp cổ.


Không gian biểu diễn, hát Then thường được trình diễn chủ yếu trong một không gian nhỏ hẹp như trong nhà (trước bàn thờ) tuy nhiên đôi khi cũng được trình diễn trong một không gian rộng như ngoài cánh đồng, phổ biến ở Lễ hội Lồng tồng vào dịp giêng hai.


Lời hát Then đã hay nhưng với tôi, một yếu tố để Then đi vào lòng người đó là nhờ chiếc đàn tính. Đàn Tính được làm bằng quả bầu khô. Cụ Nông Công Lanh người làm đàn Tính cho bản Thang đến nay đã 70 tuổi, vẫn giữ thói quen tìm, và giữ những quả bầu đẹp, phơi khô để dành làm đàn.


Dây đàn tính được làm từ sợi tơ chuốt từ ruột tằm, có nơi có là hai dây, có nơi có ba dây. Bầu đàn Tính được ví như quả đất, nối với cần đàn. Đầu đàn coi như trời, như thiên đường. Người dân bản Thang nói với tôi: “Đàn tính ba năm, kéo nhị ba buổi” với ý nghĩa nghe kéo nhị chỉ nhớ ba ngày, nhưng nghe đàn tính thì nhớ đến ba năm”.


Tiếng trầm bổng ngân nga từ cây đàn tính hoà quyện cùng với lời ca, tiếng hát của Then đưa ta vào thế giới của hư ảo, huyền bí. Trong mỗi dịp lễ hội đầu xuân, âm thanh của tiếng đàn tính mang một sắc thái tươi vui. Người chơi đàn tính có thể dùng tiếng đàn để bày tỏ cảm xúc yêu thương. Tiếng đàn bên suối như lời tự sự, trò chuyện để hiểu nhau hơn và dẫn đến tình cảm lứa đôi.


Tiếng đàn, tiếng hát Then có một sức cuốn hút, lắng đọng lòng người đến kỳ lạ để rồi khi quay trở lại Pháp, tôi vẫn không thể quên những thanh âm trầm bổng ngân nga mà hoang sơ, dân dã như những con người Tày nơi bản Thang, Cao Bằng. Hát Then của người dân bản Thang nói riêng và người Tày nói chung thực sự là một kỷ niệm khó quên của tôi về Việt Nam, đất nước mấy ngàn năm lịch sử với những giá trị văn hoá phong phú đầy tính nhân văn. Mong một ngày được quay lại nơi đây để tìm hiểu thêm những loại hình nghệ thuật truyền thống của những tộc người trên mảnh đất yêu thương này.



Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page