top of page

TOP10 - Bài tiếng Việt: VN003

Để chọn bài này cho Giải Công chúng, hãy gửi code "VN003 - Giải công chúng" cho chúng tôi qua email: concoursdecriturevietnam@gmail.com.






Những điều còn mãi



Nhìn tôi qua chiếc gương chiếu hậu, Yvanna hỏi rằng tôi đến từ đâu. Tôi khẽ trả lời và đây có lẽ là lần đầu tiên người ta sung sướng khi nghe tôi nói hai tiếng Việt Nam đến vậy. Yvanna tay bận giữ volant thốt lên "có thật không?" còn Justine quay lại mắt nhìn tôi như thể tôi là người Việt đầu tiên mà em ấy gặp. Rồi em bảo em và Yvanna nghiền đến phát điên bánh bao và món Bún Bò. Tôi hỏi lại có khi nào em thích cả thức ăn Thái Lan và Trung Quốc không vì khẩu vị châu Á thì đôi ba món cũng na ná giống nhau nhiều lắm. Nhưng em lắc đầu và bảo "Không, ẩm thực Việt Nam là tuyệt vời nhất rồi". Ở cái đất nước lục lăng này, nhiều khi tôi thấy thật tuyệt, vì cứ mỗi chuyến đi covoiturage lại tình cờ được gặp những người bạn thật hay. Chiếc oto lúc ấy men theo đường quốc lộ hướng đến Paris, nhưng trái tim tôi không hiểu tại sao lại chỉ hướng về Hà Nội - thành phố nơi cha sinh mẹ đẻ. Lòng chập chờn một mớ cảm giác và kí ức đan xen chẳng biết đâu là điểm đầu điểm cuối.



Có người nào đấy nói "con đường ngắn nhất đến với trái tim là đi qua cái dạ dày". Hơi trần trụi nhưng tôi hoàn toàn đồng ý! Bởi một trong những lý do tôi yêu Hà Nội vì Hà Nội đã chiều cái dạ dày của tôi thật nhiều. Ở Hà Nội, tôi có cô bạn chơi rất thân. Dạo ấy, nó đi thực tập ở một văn phòng luật ngã tư Ngô Quyền, còn tôi thì học lớp tiếng pháp ở L'Espace đều đặn mỗi buổi sáng. Mà Tràng Tiền với Ngô Quyền thì cách nhau chưa đầy một nhịp hít thở, thành ra trưa nào cũng tíu tít hẹn nhau đi ăn cùng. Bọn tôi có chung một thói quen là hay thèm ăn bún đậu. Thi thoảng thấy chán thì đổi vị sang cơm rang hay bún chả ngõ Tràng Tiền - chỗ đường nhỏ Nguyễn Khắc Cần rẽ vào. Ăn xong thì dạo qua con đường Lý Thường Kiệt, gọi một cốc trà sữa có thêm hạt trân châu, uống thì thật đúng kiểu của những đứa khát nước. Đến buổi chiều khi trời chập choạng tối, sẽ cùng nhau lót dạ bằng cái bánh mì donner kebab Hàng Bạc trứ danh. Không quên nhờ anh chủ cửa hàng chia ra làm đôi vì bọn tôi lúc ấy sống theo chủ nghĩa "là sinh viên phải biết tiết kiệm". Tôi cũng nhớ không kém những bát bún thang, phở gà phố Hàng Trống. Lũ bạn chí cốt cấp ba một thời vẫn hay chạy xe máy qua chở đi ăn sáng. Nếu có chiều nào oi bức, thì sẵn sàng phóng khoáng gọi thêm một bát chè Đào Duy Từ hoặc là cốc hoa quả dầm Tô Tịch. Mặc kệ rằng trong túi, tiền tiêu của một tháng đã trót "vung tay" gần hết chỉ trong một tuần. Quãng thời gian 4 năm đại học của tôi cứ thế trôi qua nhanh trong một cái chớp mắt, cũng không thể đếm nổi đã biết bao nhiêu lần lê la mấy quán nem nướng ngõ Ấu Triệu cùng trà chanh "chém gió" Nhà thờ... Ẩm thực Hà Nội nói chung vẫn còn nhiều nữa những món ăn ngon mà lắm lúc chỉ cần nghe loáng thoáng tên là nước miếng trào lên không dứt. Mặc dù trước nay vẫn luôn bị gộp chung với ẩm thực Việt Nam nhưng món ăn Hà Nội vẫn ít nhiều mang một nét rất riêng và đặc trưng của vùng miền phía Bắc theo một cách nào đó. Và mặc dù cũng có một dạo, nhiều món ăn thức uống bị người ta đồn rằng chứa nhiều hóa chất, rằng quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh khiến người dân thủ đô bao phen lo lắng. Nhưng người nói cứ nói, người nghe ai tin thì cứ tin, đại bộ phận những người còn lại thấy ngon vẫn ăn, vừa miệng vẫn uống. Vì một nhẽ thường tình, quá khứ và thói quen luôn luôn là những điều khó bỏ. Đằng này lại là thói quen kéo dài đến tận cả chục năm đời người. Cá nhân tôi vì thế mà đôi khi không thích những kẻ biết nhiều chuyện. Trong cái cuộc đời mênh mông lắm thứ lộn xộn này, biết nhiều quá chỉ khiến người ta mất đi cái máu liều có sẵn trong tim, chuyện gì cũng không dám làm, không dám thử.



Tôi còn nhớ Hà Nội ngày ấy trong tôi là một dạo thoáng buồn, chỉ muốn đi lang thang bên cái Bờ Hồ có Tháp Rùa, ngắm nhìn mặt nước xanh rêu. Đôi khi mỏi chân, thì hay tìm lên quán cafe nhỏ số 9A Hàng Khay ngay gần đấy gọi một ly cafe nâu đá. Tên quán vỏn vẹn chỉ một từ "L'étage". Hà Nội theo tôi thấy mọc lên rất nhiều những quán cafe chỉ trong vài năm trước đây đổ lại. Tôi vẫn nhớ người ta hay nói về Les deux magots hoặc Café de Flore như những quán cafe đậm chất Paris nhất. Vì ở những quán này, ngồi rất đông những người phê bình nghệ thuật hay những văn nghệ sĩ chuyên sáng tác. Nhưng bây giờ nếu có ai nhờ tôi giới thiệu một vài quán cafe thật Hà Nội thì tôi sẽ thấy rất khó. Bởi nhẽ, chưa có ai định nghĩa được cái tiêu chí để "thật Hà Nội" là như thế nào cả. Dẫu vậy, nếu phải liệt kê ra thì vẫn có một vài cái tên. Mà theo tôi tiêu biểu là quán Đinh số 13 và café phố cổ Hàng Gai, nơi mở ra tầm nhìn gần như đẹp nhất ở cái Hà Nội này. Tôi không chắc về những người khác, về lý do họ thích cái giác cảm được ở trên cao nhìn xuống khi tâm hồn ngắc ngứ là vì muốn tập nhìn mọi vật theo hướng bao quát hơn hay là vì theo một xu hướng nào đấy mới nổi đi chăng nữa. Tôi không giỏi về chuyện phân tích loài người. Để hiểu được người khác, chỉ bằng quan sát là không bao giờ đủ. Còn với tôi, đơn giản là vì ở trên cao thì mát. Nỗi buồn nói chung chưa bao giờ dời bỏ loài người cả. Xưa kia, người ta buồn thì luôn cần tìm một chỗ ngồi yên tĩnh thưởng nguyệt, viết văn và làm thơ. Còn tôi sau bao lần nghịch ngợm với chữ không thành, thì tự nhận thấy nỗi buồn chỉ duy nhất được xua tan khi về với mẹ già. Về ngồi bên mâm cơm có nồi cá biển kho cay cùng bát canh chua man mát giữa trời tiết oi nồng của một ngày mùa hè tháng sáu. Đó cũng là cách mà tôi hiểu tại sao các món ăn của những bà mẹ luôn là những món ngon nhất trên trần đời.



Nhân tiện, tôi lại muốn kể thêm về chuyện của những ngày tháng chín đi hái nho ở Reims vừa rồi. Ở đó, tôi tình cờ quen một anh kĩ sư trẻ người pháp đã làm việc ở Hà Nội 2 năm. Trong một buổi tối, anh có tâm sự đôi lời về sự thay đổi của thủ đô tôi rằng "những sự phát triển, trùng tu về bản chất là tốt, nhưng nhìn chung Hà Nội bây giờ bị phá hủy nhiều, không còn dáng dấp của ngày xưa". Nhìn anh trong phút chốc, tôi chợt nhớ lại cái ngày trước khi tôi đi, đài báo truyền hình cũng tốn không biết cơ man nào là giấy mực và nước bọt để nói về chuyện Hà Nội "thay" cây ven đường, những dự án di rời tới gần 7000 dân phố cổ, rồi chuyện cầu Long Biên có thể bị phá bỏ... Và nhớ về một Hà Nội của ngày xưa hơn nữa, ai ai cũng say lòng khi đi giữa phố thưa người với hai hàng cây bên đường rợp bóng. Rồi tôi chợt tự hỏi, tại sao nhiều lần đứng giữa một Paris người lúc nào cũng đông và cây thì ít, tôi vẫn thấy trong mình một cảm giác dễ chịu đến nhạc nhiên? Chịu, tôi thấy mình nhiều lúc chẳng hiểu được mình. Khi phải đối diện với hiện thực quá đỗi trần trụi và đau lòng về mảnh đất mà người ta yêu, trong lòng sẽ có một điều đấy bàng hoàng không thể lý giải nổi. Hà Nội của tôi cứ thế mà buồn, Hà Nội ơi! Tôi chưa sống ở đời nhiều, nhưng đã chứng kiến không ít cái sự người ta dần dần dời xa Hà Nội. Nó giống hệt như cái cách mà những đôi tình nhân trẻ tuổi chưa biết cách thỏa hiệp dùng dằng đòi chia tay chỉ vì mới phát hiện ra đôi ba điểm bất đồng. Chúng ta từ nhỏ đến lớn đã được dạy dỗ về niềm tin, tình yêu thương và lòng chân thành. Đã được dạy cách viết văn để bày tỏ cảm xúc của bản thân từ thời tấm bé. Nếu thấy đẹp, thấy ngon, thấy vui thì kể lại. Không vui, không ngon, không đẹp thì cũng kể ra, theo một cách chân thật nhất bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ từ ngàn đơi. Chúng ta không cần phải lãnh lấy cái trọng trách cao cả của đại sứ du lịch, hết lời ca ngợi dân tộc Việt Nam giàu đẹp, yên bình và mến khách, cái đó là nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ mà. Cái mà chúng ta cần làm sống dậy cái linh hồn dân tộc trong mình, nhìn đất nước và thủ đô theo một chiều hướng khoan dung nhất. Vì tôi vẫn tin rằng Hà Nội thực ra vẫn còn nhiều điều hay, mặc dù nó đang ngấm ngầm "biến chất" đi theo một cách nào đó. Bởi dạo gần đây tôi có đọc tin, ở ngã tư quốc tế Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến đang xuất hiện những văn đoàn nghệ sĩ, từ trẻ cho đến nhân dân và ưu tú, tấu lên cơ man nào những ca trù, chầu văn, chèo, tuồng, hát xẩm mỗi tối. Ôi cái khu phố đi bộ mà trước đây tôi thấy mang dáng dấp của một khu gửi xe máy nhiều hơn, nay lại thành nơi sống lại những văn hóa cổ truyền đáng quý của đất nước. Hà Nội chỉ cần cứ giữ được những tinh hoa dân tộc, người dân tự khắc có tự hào, đất nước tự khắc có tiếng thơm bay đi muôn trùng. Nói đến đây, tôi chỉ mong được về với Hà Nội. Nhưng không biết người ta đã kịp trả lại cho Nhà Hát Lớn cái màu vàng của tường vôi phối phái năm nào hay chưa? ...



Hà Nội nơi tôi sinh ra, tính cho đến nay đã ngót ghét hai mươi năm có lẻ. Tôi chưa đi được nhiều nơi, cũng chưa sống ở đâu đấy đủ lâu để có được tình cảm như với nơi này. Nhưng theo cái cách người ta vẫn hay so sánh Hà Nội với Sài Gòn, tôi giả dụ sau này nếu buộc mình phải sống ở miền trong, tôi chắc chắn sẽ nhớ Hà Nội da diết lắm. Tiền bạc và vật chất là những thứ kiếm lâu dài rồi sẽ đủ, còn thứ duy nhất mãi mãi luôn thiếu là tình yêu. Con người ta nên sống ở nơi được yêu, được thương và được là chính mình. Tôi cũng giống như bao người, đã từng nghêu ngao câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến như một chân lý "Hà Nội cái gì cũng rẻ. Chỉ có đắt nhất tình người thôi". Hà Nội đắt vì là nơi duy nhất tôi có mẹ. Thời gian đôi khi là một thứ đáng sợ. Sẽ có lúc nó bắt chúng ta đau đớn chấp nhận cái hiện thực rằng các đấng sinh thành nay đã là người có tuổi. Và học cách làm quen với những cơn ho dai dẳng của bậc phụ mẫu trong khi nói chuyện qua điện thoại vào những ngày thời tiết giao mùa. Để rồi sau đấy thấy tim mình như có ai cứa ngang qua, bằng một con dao rất cùn và hoen rỉ. Những người già ở Pháp chính ra rất buồn. Nhiều khi lủi thủi một mình tự lo bao chuyện uống ăn bệnh tật. Đó là sự khác biệt lớn giữa nền văn hóa phương Tây phóng khoáng - khi lớp trẻ biết sống tách dời gia đình từ khi mười tám đôi mươi - và nền văn hóa Á Đông truyền thống lễ nghĩa, răn dạy con cái là nơi cha mẹ nương tựa mỗi khi về già. Nhưng tôi biết, mẹ tôi cũng đã buồn nhiều như thế, khi hoang hoải chờ đợi đến cái ngày tôi - người đang cách xa bà một nửa vòng trái đất - trở về. Bởi có một đêm tôi nằm mơ. Thấy mẹ mình đang ở trong một căn phòng trống. Nằm nguôi ngoai trong nỗi niềm thương thương nhớ nhớ, đôi mắt như vết thương khép lại thì đau nên cứ thế mở không thôi, và hai dòng nước mắt nóng chan cứ thế chứa chảy dài xuống đôi gò má. Rồi tôi choàng tỉnh dậy, thấy mồ hôi trên trán mình đầm đìa. Lúc ấy mới là ba giờ sáng. Ôi, con người ta đôi khi cần phải đi thật xa và lâu để thấy rằng cần phải về nhà. Để tìm về và nhận ra những cái cũ kỹ và bền vững luôn luôn có sức mạnh kinh khủng nhất. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ mẹ tôi thật nhiều...



Tôi lộn xộn viết ra đây những-chuyện-ngày-trước của kí ức và những-chuyện-bây-giờ đang chảy trôi trong đầu mình, chỉ mong mỏi không ai đặt nặng quá những khái niệm trật tự và quy củ. Vì trí nhớ con người giống như một chuỗi hạt, vỡ một hạt là xổ tung vương vãi cả cỗ tràng hạt thật dài...



Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page