top of page

Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo: Dấn thân định mệnh cùng lý trí phân tích và tình cảm trái tim

Trà chiều cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo


Tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vào một ngày giữa tháng 7 có nắng vàng, bên trong một quán trà yên tĩnh thưởng thức ly trà nóng lên hương thơm dìu dịu, để phỏng vấn chuẩn bị cho cuộc thi viết về Văn hóa Việt Nam.


Đã đọc nhiều bài phỏng vấn nói về nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và những giá trị kết hợp Đông Tây, tôi không nén nổi tò mò và hào hứng khi lần đầu được phỏng vấn nhạc sĩ. Với tôi, câu chuyện của ông bắt đầu từ thời điểm một cậu bé đến Pháp lúc 13 tuổi để đi con đường định mệnh đến khi thành một nhà soạn nhạc Việt Nam được ghi tên trong 2 quyển từ điển lớn của Pháp (Le Petit Robert và Le Petit Larousse), vì đó là câu chuyện về một hành trình của nội tâm và của tài năng vượt qua những giới hạn của bản thân để vươn lên, để khẳng định dấu ấn của mình – nhà soạn nhạc đầu tiên của Việt Nam cho dòng âm nhạc bác học đương đại dân tộc. Trong mỗi tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cho dàn giao hưởng hay hợp xướng, tính đương đại là tính toàn cầu thông qua kỹ thuật trình diễn và lý luận âm nhạc phương Tây, và tính dân tộc là bản sắc riêng với những điểm nhấn truyền thống Việt Nam qua vài dụng cụ âm nhạc, câu thơ, nốt nhạc nằm ở những đoạn quyết định của bài nhạc. Và sau hết, ông là một tác giả của hàng chục bài viết và 1 quyển sách vừa ra đời năm 2015 “Sống Lửa”, với giọng văn không lẫn vào đâu được.


Hành trình đi từ Việt Nam sang Pháp là chuyến đi của biết bao nhiêu người rồi, nhưng điểm đến và điểm đạt được của mỗi người không giống nhau. Với tôi, câu chuyện ấy của ông chắc chắn ẩn chứa nhiều “huyền thoại” và “bí ẩn” như vốn thường thấy trong cuộc đời những tên tuổi lớn. Và hơn hết, là một người trẻ của thời đại này đang đi con đường ấy từ Đông qua Tây, tôi hào hứng và hồi hộp để khám phá một con người, một phần tâm hồn của con người thành đạt ấy, và có lẽ bí quyết nào đó để thành công.




Một phức hợp của hai nền văn hóa với những giá trị của riêng mình


Bắt đầu bằng câu chuyện về văn hóa Việt – Pháp, tôi thấy ở Nguyễn Thiện Đạo có một sự khôn ngoan, cân bằng của một người khi đã đứng vững giữa hai nền văn hóa, khi đã chiêm nghiệm ra những khác biệt của Đông và Tây từ cốt lõi của giá trị ấy.

Nhận định về văn hóa Pháp, Nguyễn Thiện Đạo thẳng thắn chia sẻ: “Dân tộc Pháp là một dân tộc rất tôn trọng văn hóa. Đi sâu vào văn hóa, chúng ta càng khâm phục họ, nhưng văn hóa Tây Âu không phải toàn vẹn: văn minh và văn hóa Pháp đã không còn là cực thịnh khi văn minh Coca Cola đã tràn ngập thế giới”. Nhưng ông rất yêu văn hóa Pháp, ông có thể dẫn những áng thơ văn của Alphonse de Lamartine, Guillaume Apollinaire, có thể trích những tư tưởng triết học của Albert Camus hay Jean-Paul Sartre, có thể nói làu làu về những nhà soạn nhạc Tây Âu và phân tích những đặc điểm của họ, thích thú và biết cách thưởng thức thực thụ những món ăn hảo hạng Pháp, có thể trao đổi về bất kỳ chủ đề gì về tranh ấn tượng và siêu thực, và thuộc lòng những con phố, con hẻm nhỏ với những phòng tranh nghệ thuật hàng đầu trong lòng Paris.


Nhưng càng nói chuyện với nhạc sĩ, tôi lại thấy Nguyễn Thiện Đạo thoáng chốc rất Pháp, rất Tây Âu, rồi thoáng chốc lại rất Việt Nam, rất phương Đông, Ông cũng đọc, và thậm chí là say sưa những đầu sách tư tưởng của phương Đông như sách Luận ngữ của Khổng tử, sấm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, yêu thích thơ Đường, say mê ngâm Kiều, trích dẫn ca dao, tục ngữ Việt Nam, kể những câu chuyện văn học, nghệ thuật phương Đông. Khoảng khắc rất Việt Nam, rất phương Đông ấy của ông vô cùng đặc biệt: dù là thoáng nhưng rất sâu và cô đọng, đôi khi chỉ vài câu chữ có thể chất chứa mấy tầng ý nghĩa và mấy chục năm cuộc đời, ví như ông nói về cách sống “trong Lão ngoài Khổng”, hay “tri túc” – biết đủ là đủ, là vui, không tham sân si thêm,…


Tuy vậy, với những kiến thức kinh điển như thế của cả phương Đông và phương Tây, ông không là một người lạc hậu cùng thời thế, bảo thủ trong tư tưởng; mà ông thật sự cởi mở, tiếp nhận những thay đổi của thời đại và tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi để khai mở những cách vận dụng mới thật sáng tạo, và đặc biệt là “độc đáo”.


Trong quyển Sống Lửa và bài viết Giao hòa[1], ông sử dụng rất nhiều điển tích, điển cố văn học và các biểu tượng văn hóa truyền thống lồng trong những câu văn trau chuốt tinh tế, cách hành văn hiện đại, và bố cục của các chương đoạn lại càng đặc biệt hơn. Những tác phẩm viết hiện nay đa số nhấn vào yếu tố nội dung, ít tác phẩm nào còn để ý đến từng ngôn từ sao cho thanh âm hòa điệu, sao cho từng câu chữ đều “ý tại ngôn ngoại” có sự sâu sắc của riêng mình, sao cho từng dấu chấm, phẩy đều có ý nghĩa… Ông đã viết theo cách như thế một cách say sưa, và cũng nói say sưa về quyển “Sống lửa” – quyển sách mà hình thức tuy không phải quyển tự truyện, nhưng về bản chất thì có lẽ chính là tự truyện của tinh thần và trái tim của nhạc sĩ rồi. Nhưng ông đầy lý trí khi nói rằng: “Nếu muốn trở thành Victor Hugo thì tôi là thằng điên”, và chia sẻ :

« mỗi tác giả, tác phẩm có một sáng tác khác nhau, còn với tôi có lẽ đó là “bất phẫn bất phát”, phải có đau khổ phẫn uất, phải trăn trở để sáng tác».

146 trang của cuốn sách Sống lửa [2] là kết quả của những thôi thúc và khao khát được dấn thân, là đúc kết của những tâm tư, trăn trở, nghĩ suy và đau khổ trước nhân tình thế thái của Nguyễn Thiện Đạo trên con đường mình đã đi qua.


Lúc ra đi là hành trình từ Đông sang Tây, còn những tác phẩm của ông, dù là tác phẩm âm nhạc hay ngôn ngữ, đều là những chuyến trở về từ Tây sang Đông.

Tôi chợt vỡ lẽ, Nguyễn Thiện Đạo là Nguyễn Thiện Đạo, một phức hợp Đông-Tây để tạo ra những giá trị riêng của mình, để tạo ra một vùng tâm thức không còn biên giới.




Say mê và trăn trở trong sáng tác nghệ thuật


Được biết Nguyễn Thiện Đạo là một nhạc sĩ có 94 nhạc phẩm, đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ, văn, tôi quyết tâm hỏi chuyện nhạc sĩ về quá trình sáng tác nghệ thuật và làm thế nào để sáng tác. Nói về điều này, Nguyễn Thiện Đạo dùng chữ “dấn thân”, không chỉ đơn giản là viết, mà là “dấn thân”.


“Một trong ba yếu tố cần thiết để sáng tác các tác phẩm có giá trị, nhạc sĩ chia sẻ, đó là có say mê, mê đắm, có thể chết vì nghệ thuật. Đó là một thứ ám ảnh phức hợp bức bách bản thân (complexe obsessionel compulsif). Tùy cá nhân mỗi người, mỗi người chọn dấn thân vào nghề và nghiệp khác nhau, tôi chọn dấn thân vào nghệ thuật ».


Còn đối với câu hỏi: làm thế nào để có cảm hứng sáng tác? Nhạc sĩ chỉ nhẹ nhàng trả lời rằng:

để có cảm hứng sáng tác, phải lao động thật sự.

Lao động thật sự bằng cách tìm tòi, bằng những khát khao và tham vọng làm được điều gì có ý nghĩa. Lao động thật sự nghĩa là lúc nào cũng suy nghĩ về mục tiêu ấy, và tìm mọi cách thực hiện được. Và cảm hứng sẽ đến. Có thể hiểu, cảm hứng và làm việc, suy nghĩ là hai yếu tố tác động qua lại lẫn nhau để cùng đưa đến thăng hoa và thành công.


Quả thật, khi đọc bài viết “Giao hòa” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, tôi đã nhận thấy tác giả là một con người luôn trăn trở và nhiều khát khao đối với cuộc đời, với sáng tác. Khi gặp gỡ, sự sục sôi ấy của ông hiển hiện ra trước mắt tôi. Nguyễn Thiện Đạo có cái say mê điên cuồng tự đấu tranh và được đấu tranh để tìm ra những cái mới “độc đáo”, có cái ham muốn thoát khỏi những ràng buộc và khuôn mẫu trong tinh thần người đời, thách thức những khó khăn nội tâm và ngoại cảnh để nâng cao cực hạn năng lực. Kể cả trong cuộc phỏng vấn, ông cũng không ngừng khuyến khích phóng viên hỏi những câu khó nhất, đừng ngại ngần gì cả. Đó là cái mà người ta gọi là sức sống, là nhiệt huyết của tuổi trẻ mà đã lâu tôi không gặp lại, là sự an nhiên đầy can đảm, là sự tự tại hóm hỉnh và khôn ngoan, mà có lẽ tôi cũng chưa từng gặp.


Tôi từng nghĩ đơn giản: ai chẳng cố gắng, nỗ lực, say mê vì đó là cái nghề, cái nghiệp của mình.

Nhưng nhìn lại, quả thực, cái gì cũng cần có mục đích, hơn nữa, mục đích cần có một ý nghĩa nhân văn, thì con người sẽ luôn hướng về đó, tự nhiên sẽ có say mê và sự nghiêm túc để theo đuổi nó.

Điều này giải thích sự thành công của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo với tất cả những tác phẩm âm nhạc mà ông sáng tác đều là những “đặt hàng” chính thức của nhà hát Opéra de Paris, của Bộ Văn hóa Pháp, Bộ Văn hóa Việt Nam, của những dàn nhạc để biểu diễn trước những chuyên gia âm nhạc, những vị khách biết thưởng thức, những chính khách quan trọng quốc tế (như Nhật hoàng trong buổi biểu diễn tại Tokyo,…). Ông đang giới thiệu tinh thần Việt Nam theo cách của mình: đưa tính dân tộc vào những bài nhạc dành cho giới chuyên gia âm nhạc quốc tế, đưa những điệu nhạc thường ngày của Việt Nam lên trình độ bác học đương đại và lên những sân khấu thuộc “thánh đường” nhạc bác học Tây Âu.

Nguyễn Thiện Đạo vẫn luôn đầy say mê trong tâm hồn, luôn khát khao sáng tác, nên hẳn nhạc sĩ sẽ còn “dấn thân” dài dài trong sự nghiệp nghệ thuật. Nhìn lại mình, nhìn quanh mình, tôi bỗng dâng lên sự khâm phục đối với một người Việt Nam không ngừng và chưa bao giờ ngừng khẳng định mình trong xã hội Pháp, và khẳng định dân tộc tính của Việt trong những tác phẩm mà ông đã viết dành cho công chúng quốc tế.



Về cuộc thi viết

Nguyễn Thiện Đạo bày tỏ sự hoan nghênh của mình đối với Hội người Việt Nam tại Pháp và thư viện Jean-Pierre Melville cùng Tòa Thị chính Paris, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã có sáng kiến về việc đồng tổ chức một cuộc thi viết về văn hóa Việt Nam. Nhạc sĩ kỳ vọng cuộc thi sẽ diễn ra thành công, có nhiều tác phẩm sáng giá và để lại tiếng vang.

Bên cạnh đó, do hạn chế về số lượng chữ đối với các bài viết (tối đa 5 trang giấy), nhạc sĩ mong muốn người sáng tác, cũng là người “dấn thân” có thì giờ để suy nghĩ chu đáo về đề tài để có được một cấu trúc hàm súc, vừa ngắn gọn, vừa hợp lý, vừa có ý nghĩa.


Ở vai trò là một thành viên trong ban giám khảo cuộc thi viết về Văn hóa Việt Nam, Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ: “Không phải một tác phẩm lúc nào cũng lạc quan là hay. Nếu đánh giá tác phẩm mà chỉ nhìn vào khía cạnh tốt thì đây lại là sai lầm. Trên đời này, điều tốt và xấu đan xen, do vậy, khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, cần phải có cả “lý trí phân tích” đi cùng “tình cảm trái tim”, biết sử dụng lý trí để lĩnh hội tác phẩm và song song với điều đó, trái tim cũng phải rung động”.

Cũng vì thế, nhạc sĩ khẳng định, sẽ không có sự thiên lệch trong đánh giá với những bài viết, dù đề tài là ca ngợi nét đẹp hay phê phán những điểm còn chưa tốt của văn hóa Việt Nam.


Nhạc sĩ tiếp lời:

“Văn hóa Á Đông thiên về cảm nhận, hòa vào sự vật, sự việc để thưởng thức. Ngược lại, văn hóa Tây Âu nghiêng về việc phân tích nhiều chiều về sự việc ấy. Chỉ có phân tích, phê bình, phản biện và xây dựng mới tạo nên sự phát triển. Do vậy, trong cuộc thi viết, để chấm được văn, ban giám khảo cũng cần phải có hai nền văn hóa. Nhưng quan trọng nhất, đó là họ phải có “mắt nhìn rộng mở” - con mắt bình dị, không phán xét, không định kiến. Dù cảm nhận là chủ quan, không thể tránh khỏi những tác phẩm trùng với gu của mình, nhưng người chấm văn khi có lý trí phân tích thì có thể đánh giá các tác phẩm dễ dàng hơn.”


Khi vẫn còn đang băn khoăn, tôi nghe nhạc sĩ nói “cái khó nhất là phải tự biết mình là ai”, và “con người phải có được sự bình dị, thoải mái để đánh giá cho đúng, không vỗ ngực tự kiêu mà cũng không nên tự ti”. Một tên tuổi như thế, tôi chắc chắn rằng ông sẽ có cái nhìn khách quan nhất trước các phong cách viết khác nhau, sẽ thẩm định được cả phông nền văn hóa Pháp hay Việt, và sẽ cảm nhận được sâu sắc những chia sẻ về văn hóa Việt Nam của từng bài dự thi.



Trà gần tàn, tôi hỏi nhạc sĩ nếu có thể tham gia cuộc thi viết về văn hóa Việt Nam, nhạc sĩ sẽ chọn chủ đề nào, Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ: Tham quan Thác Bà cùng người Dao – vừa chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt vời của Thác Bà, vừa tìm hiểu tập tục, cách sống của người Dao, đây quả là một phương thức kết hợp du lịch, văn hóa và cảm nhận cá nhân, gợi nhiều thích thú.


Tiệc trà kết thúc nhưng xen lẫn trong tôi một niềm vui nhè nhẹ. Tôi đã cố gắng đánh giá cuộc nói chuyện cùng Nguyễn Thiện Đạo của mình bằng cả trái tim và lý trí: trái tim tôi rộn rã vì gặp được một con người dạt dào sức sống và mong muốn một sự phát triển, thách thức với những khuôn mẫu sẵn có; lý trí cũng cảm kích vì được tiếp xúc với một vốn văn hóa dài rộng, với những cá tính và giá trị riêng của con người này. Đó là một tâm hồn rất và sẽ luôn trẻ, đang dấn thân cho sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của mình, và nhìn cuộc đời với con mắt nhìn rộng mở.



Bích Hồng

9/2015





[1] Nguyễn Thiện Đạo, Báo Đoàn kết


[2] Sống lửa, Nxb Hội Nhà văn, 2015


***********


Giới thiệu một trong những bài viết của tác giả Nguyễn Thiện Đạo:



GIAO HÒA


Nguyễn Thiện Đạo

bài viết những năm 90, thế kỷ 20



Những tháng năm chuyển rung thế giới: nối tiếp bức tường Bá Linh, khối xã hội Đông Âu lần lượt tự hủy diệt. Kinh hoàng! Có cùng mới có biến, có biến mới có thông, có thông mới vững bền (vững bền một thời gian rồi lại cùng, biến, thông…) Dịch, biện chứng của vũ trụ!


Như những làn tên mây gió, những lá tre nhẹ úa, những đám khói bồng bềnh, những bong bóng mặt nước chiều buông, thế là họ chạy theo viện bảo tàng tôn y phục “jeans” và những bức tường viện bảo tàng được cạo trơ trụi lên hàng nghệ thuật của xã hội mai sau. Adorno có nói: “Sau Auschwitz không còn viết gì được nữa”. Nhưng lịch sử đã không chứng minh cho Adorno: biết bao sáng tác phản kháng phát xít vẫn được ra đời. Làn gió vọng ngoại ào áo chói mắt, thanh sắc cuốn lôi thể xác lẫn tinh anh. Và Thần Đô-la ám ảnh toàn cầu…


Lịch sử nhân loại chứng minh rằng “xuất khẩu” văn hóa đi song song với chiến lược quân sự và kinh tế. Làm sao đây cho tác phẩm nghệ thuật đừng được bán như những món hàng tiêu thụ? Người nghệ sĩ sáng tác thật sự phục vụ cuộc đời chỉ khi nào thật sự nghĩ rằng sáng tác cho sự “vô ích” là tuyệt đích của tuyệt đích, là vô biên của ý thức hệ Lão Trang…


MOZART ƠI HỠI!


Đã quên rồi sao: Nội thủ tinh thần ngoại tà khó nhập? Nhạc xập xình như muốn ru ngủ quyến rũ tất cả. Còn một vài dị nhân Don Quichotte luôn luôn tìm vô biên tuyệt đích cho một xã hội thần tiên vi vút và đắm say Lão trang, cổ thư và sao khuê rực sáng của Ức Trai.


Thế là:

Ngũ trực tuyến bồng bềnh lả lướt, xê già còn non, cống non chưa già. Ơi hỡi Mozart! Chắc Người rùng mình trong nấm mồ chung vô danh, kiệt tác Requiem chỉ còn vọng đến trai người thôi nhỉ?

Giấy trắng văn nhân mực đủ mầu, có phải chăng chỉ hơi thiếu mực máu chấm con tim của quá khứ liệt oanh?

Giá vẽ họa sĩ bóng loáng, nhưng còn soi bóng Tô Ngọc Vân hy sinh trên trận tuyến? Còn thấm máu Diệp Minh Châu vẽ tặng Cha già dân tộc?

Hỡi các vị anh hùng dân tộc! Nếu các cụ về, các cụ dò dặn chi đây?


NGHIỆM


Còn nhớ chăng

Những cây đàn dương cầm được giấu kín dưới rừng xanh cho đầu xanh vẫn xanh trên phím trong khi “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”, cho tiếng chuông gầm thét của Hồ Xuân Hương, cho tiếng ru du mộng của đêm trăng Quan họ soi bóng tháp Chàm mãi mãi được tô lên giải đất này?


Phải rồi,

Những bi hùng, trữ tình, thần tiên đúc kết tinh anh tự ngàn xưa vẫn bùng cháy đáy lòng. Luồng gió mới: dân tộc đích thực và nhân loại tiền tiến là con đường của tương lai vĩnh hằng.

Được thừa hưởng ba dòng văn minh Hán, Ấn độ - Chàm và Tây Âu- xin đừng quên văn minh Pháp và Cách mạng Nhân quyền 1789 và cũng xin chớ vội quên Cách mạng Tháng mười Nga - là biết bao hiếm quý.

Hãy đắm say da diết, cuồng si nhiệt huyết khi mơ màng mong ước và hãy sát gần lý trí khoa học khi sáng tạo. Trực giác Á đông (theo nghĩa của Nho học) và lô-gíc Tây Âu giao hòa nhuần nhuyễn để thấu hiểu linh hồn của cả hai văn minh, để biết phân tích và sử dụng cả hai dòng văn hóa Đông Tây. Có phải chăng Tây Âu có đủ máy móc tối tân, có lý trí lô-gíc để mổ xẻ trinh vi các văn minh khác nhưng hầu như vẫn chưa thấu hiểu linh hồn những văn mình này (óc “cha anh” vẫn dáng dấp đâu đây?).

Đông –Tây giao hòa nhuần nhuyễn, trực giác và lô-gíc song song sẽ đem lại nguồn sáng tạo mới và độc đáo trên văn-thi-ca đàn nhân loại.


Tất cả sẽ đi vào đêm tối, vĩnh cửu là thi ca. Hãy lắng nghe tiếng vang thầm lặng vô tư của “trống không”, của sẽ đến mai sau!

“Cho nên, nghe âm thanh mà biết được phong tục, xét phong tục mà biết được chí hướng, xem chí hướng mà biết được đạo đức; thịnh, suy, khôn, dại, hay, dở đều hiện ra âm nhạc, không dấu được ai. Cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào.” (Tuân Tử)



Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page