top of page

Nhà văn Thuận - tỏa sáng bằng nghệ thuật của mình, không bởi chiều lòng người khác

Bài phỏng vấn thành viên Ban giám khảo Cuộc thi viết "Việt Nam - Mùa thứ 5", do Hải Yến (PV) thực hiện. Tham gia cuộc thi viết, bạn sẽ muốn chia sẻ hay đưa ấn tượng về điều gì với nhà văn Thuận?


***


Những tiểu thuyết dài không chương đoạn, những câu văn không có dấu ngắt nghỉ, những con số lặp đi lặp lại cả ngàn lần đầy ma mãnh, những nhân vật luôn gây ám ảnh, luôn vùng vẫy, kiếm tìm sự tự do; những câu chuyện rất đời, tưởng chừng tác giả không chỉ là người viết văn mà còn là một bác sĩ tâm lý của chính nhân vật và người đọc... Đó là những ấn tượng của độc giả về các tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Ánh Thuận.


Văn chương của chị như những món ăn Á - Âu hòa trộn, độc lạ, phá cách nhưng chưa chắc đã dễ thưởng thức. Nếu đã trót say mê văn của Thuận, phải thật tỉnh táo trong mê cung ngôn từ mà tác giả đã dày công sáng tạo,sắp đặt; chúng vừa thực, vừa hài hước, giếu cợt đầy ma mị...




PV: Trong các tác phẩm của Thuận, thường xuất hiện nhân vật vừa dạy học, vừa viết lách và luôn trăn trở với công việc viết văn: "Gõ mãi gõ mãi vẫn thấy văn chương là thứ mơ hồ" (Thang máy Sài Gòn). Nhân vật người tha hương trong các tác phẩm vừa là người đang sống ở Pháp, vừa như người bên lề xã hội, đau đáu nhớ quê hương nhưng cũng không định rõ đường trở về. Văn chương là thứ khiến Thuận mơ hồ, hay cuộc sống nơi đất khách quê người khiến chị cảm thấy mơ hồ?


Thuận : Ồ, sau hai mươi năm, nước Pháp bây giờ đã trở thành nhà, chứ không phải đất khách nữa. Còn văn chương thì có lẽ hơn mươi năm nữa vẫn tiếp tục mơ hồ. Nhưng có lẽ vì vậy mà còn tiếp tục cầm bút. Để xem nó dẫn mình đi được tới đâu. Với một người viết như tôi thì mỗi tác phẩm là một chuyến đi xa mà điểm đến có khi mãi mãi là ẩn số.




PV: Đọc các tác phẩm: Chinatown, T mất tích, Paris 11 tháng 8... độc giả luôn cảm thấy nỗi sợ hãi sự đơn độc, sự cô đơn; chúng không phân biệt giới tính, quốc tịch ,dù là với người Việt hay người Pháp. Khi cầm bút, có lúc nào chị cảm thấy cô đơn, đơn độc và sợ hãi cực độ như thế ? Đã có lúc nào chị mất niềm tin về sự tồn tại phi lý, vô nghĩa của cuộc đời, của thân phận con người trong xã hội hiện đại? Dự cảm của chị về con người và các mối quan hệ của họ trong xã hội hiện đại sẽ như thế nào, liệu có bi quan như trong các tiểu thuyết của chị không?


Thuận : Không biết có bao nhiêu nhà văn trong khi viết cảm thấy đầm ấm, quây quần? Tôi dường như không thuộc những người may mắn ấy. Sáng tác với tôi luôn luôn là một cuộc vật lộn đơn độc, không thể chia sẻ cùng ai, một phần vì bản thân tôi cũng không biết những khó khăn sẽ đổ xuống đầu mình, bản thân tôi khi trước khi bắt tay vào bản thảo cũng không biết sẽ viết về cái gì, sẽ đi đến đâu, có cái cọc nào để bám vào không. Tôi đồng cảm với Duras khi nói về công việc viết của bà : «Không định trước một chủ đề, không vạch sẵn một tư tưởng… Chỉ có đôi bàn tay trắng và cái đầu trống rỗng. Tất cả những gì người viết biết về cuộc phiêu lưu này, về cuốn sách sắp tới là một công việc viết trần trụi, khô khan, không tương lai, không tiếng vọng, xa xôi».




PV : Chị đã sử dụng rất thành công các thể nghiệm độc đáo về cấu trúc tác phẩm, có thể nói, mỗi tiểu thuyết của chị mang dấu ấn đậm nét của ít nhất một thể nghiệm, xuyên suốt tác phẩm, khiến độc giả buộc phải nhớ đến, ấn tượng. Chị từng nói: "Nhịp điệu chứ không phải nội dung câu chuyện chính là chất liệu liên kết trong tiểu thuyết". Vậy khi bắt tay vào viết mộ ttác phẩm, với chị, định hình nội dung câu chuyện đến trước hay xác định thể nghiệm văn học mới mẻ, độc đáo đến trước?


Thuận : Không bao giờ tôi chuẩn bị sẵn nội dung. Trước khi xây nhà, bạn làm khung. Nhưng với tiểu thuyết thì không thể như vậy. Tất cả những ai định sẵn một cốt chuyện, rồi sau đó tìm cách đắp thịt đắp da, đều thất bại, bởi vì thịt sẽ ra đằng thịt, da ra đằng da, xương ra đằng xương. Đó là một đống bùng nhùng chứ không phải tiểu thuyết. Tôi hình dung người viết tiểu thuyết giống như một vị chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, làm thế nào để mọi chi tiết giống như tất cả các các dây đàn cùng rung lên theo một nhịp, cái này hòa vào với cái kia, vẫy gọi nhau, gợi nhớ nhau. Các chi tiết không bị chết dí một chỗ mà phải được gợi lại hay mở ra ở đâu đó, tạo nên cái nhịp đặc trưng của tác phẩm, thể hiện hơi thở của người viết ra nó : một tác giả tràn đầy năng lượng, ham muốn thay đổi, không sợ thất bại, nhất định sẽ có một hơi thở mạnh mẽ và quyến rũ, lôi cuốn độc giả từ đầu đến cuối, bằng chính nghệ thuật của mình chứ không phải do chiều lòng người khác.




PV : Chị thường hay chê hoặc cười đùa trước những mặt tối của xã hội Pháp, tính cách con người Pháp; có lúc nào chị nghĩ độc giả Pháp sẽ phật ý không?


Thuận : Khi viết xong rồi, đôi khi tôi cũng tự nhủ có lẽ tôi đã quá nặng tay với xã hội Pháp, nhưng mà đành tặc lưỡi, tôi không thể làm khác được. Tôi không chấp nhận thỏa hiệp, với bất kỳ cái gì.




PV : Nhân vật của chị thường được khắc họa, nhắc lại nhiều lần về việc sử dụng tiếng Pháp không mấy thành thạo, thứ tiếng Pháp pha trộn. Phải chăng đó chính là nguyên do khiến cuộc sống của họ có phần tù túng, bó hẹp, tạo lên sự khao khát tự do khẳng định mình mạnh mẽ của họ?


Thuận : Các nhân vật của tôi thường kém cỏi về nhiều thứ, chứ không chỉ tiếng Pháp. Quả thực là tôi thấy gần gũi hơn với những người thiếu may mắn, vụng về và ngốc nghếch. Nói cho cùng, một người toàn diện, đẹp đẽ, thông minh, tự tin, vững vàng thì chả cần ai phải viết về họ, nghĩ cùng họ, chia sẻ với họ, lên tiếng hộ họ.




PV : Chị chủ yếu viết về cuộc sống sau chiến tranh, về những người sống ở thời của chị, nhưng với những độc giả trẻ tuổi ở Việt Nam cũng như ở Pháp có thể không hiểu và cảm nhận hết được hoàn cảnh cuộc sống trong văn của chị; liệu trong những tiểu thuyết mới chị có ý định hướng đến đối tượng độc giả trẻ tuổi hơn cho tiểu thuyết của mình không? Và chị sẽ sử dụng một thể nghiệm văn học mới trong tác phẩm sắp tới?


Thuận : Nếu một bộ phận độc giả nào đó không cảm nhận được tác phẩm của tôi thì do cách viết của tôi chưa đủ hấp dẫn họ, chứ không phải nội dung câu chuyện ít liên quan đến họ. « Trăm năm cô đơn » ở tận châu Mỹ La-tinh xa xôi, với những nhân vật, những tập tục, những suy nghĩ, những xúc cảm, những quan niệm hầu như chẳng có gì chung với người Việt và xã hội Việt Nam, mà vẫn khiến chúng ta bao năm rồi vẫn thao thức đấy thôi.




PV : Trở lại với cuộc thi viết về "Việt Nam, mùa thứ năm", tiêu chí nào của cuộc thi khiến chị tâm đắc và nhận lời tham gia là thành viên trong BGK?


Thuận : Đây là một dịp để tôi có thể biết về những mối quan tâm của người Việt ở Pháp hiện nay.




PV : Chị chờ đợi những tác phẩm dự thi như thế nào, một sự thể hiện với văn phong truyền thống hay sáng tạo, tự do hoàn toàn trong cách viết?


Thuận : Tôi hy vọng sẽ có những bất ngờ.




PV : Theo chị, cuộc thi này có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng người Việt tại Pháp cũng như những người nước ngoài đang sinh sống ở Pháp và đã từng biết đến Việt Nam?


Thuận : Hiện tại tôi nghĩ rằng nó chưa có ý nghĩa lắm. Có lẽ nên làm cho nó có tiếng tăm hơn nữa. Tôi có cảm giác cộng đồng người Việt ở Pháp không chú ý đến nghệ thuật cho lắm. Những lần tôi ký sách, nếu có khách Việt thì phầ nlớn do họ là bạn bè của tôi, chứ ít có người Việt chỉ vì tò mò với văn chương mà tự đến. Với độc giả Pháp thì khác. Họ có mối quan tâm thực sự.




PV : Chị có thể chia sẻ một chút về "Việt Nam, mùa thứ năm" trong chị được không ạ?


Thuận : Có lẽ giống như trong tiểu thuyết của tôi, tôi muốn được chia sẻ với độc giả nước ngoài những gì về Việt Nam mà họ chưa biết hoặc biết sai, để họ có thể từ bỏ những định kiến và clichées. Nhiều lần tôi đã phải choáng váng khi phát hiện ra rằng trong đầu không ít người phương Tây, Việt Nam vừa mới kết thúc chiến tranh và chín mươi phần trăm dân số sống ở nông thôn, không biết vô tuyến là gì, chứ đừng nói đến internet. Hy vọng với những gì tôi viết, họ sẽ khám phá một Việt Nam khác, một Việt Nam bốn thập kỷ sau chiến tranh phải đối mặt với tất cả những khó khăn của một xã hội đang phát triển: tham nhũng, thất nghiệp, y tế lạc hậu, giáo dục trì trệ, chính trị, người lớn mất niềm tin, thanh niên vô phương hướng, trẻ em không tương lai, đồng ruộng nhường chỗ cho sân golf, sân khấu nhường khán giả cho thi miss, báo chí nhường độc giả cho lá cải… Có thể là tôi quá bi quan. Nhưng văn chương không phải là tô hồng hiện thực.




PV : Chị đã định cư ở Pháp hơn 20 năm, cảm nhận, nỗi nhớ Việt Nam trong chị đổi khác theo thời gian hòa nhập với cuộc sống tại đây như thế nào?


Thuận : Tôi không biết nữa. Nỗi nhớ Việt Nam của tôi chưa bao giờ có hoa sen, hoa sữa, cốm xanh, bánh dẻo hay mắm tôm, tiết canh... những thứ cứ thỉnh thoảng lại bùng lên ở rất nhiều đồng hương người Việt. Trong đầu tôi và có thể cả trong tim tôi, mỗi nơi trốn thường gắn với một vài người, một vài câu chuyện, một vài trang sách đã viết hoặc sắp viết, những tưởng tượng và cả những ngộ nhận.Trong cuộc đời rất dài của chúng ta, chúng ta ngộ nhận nhiều chứ.


______________


Đôi nét về nhà văn Đoàn Anh Thuận:


Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, tốt nghiệp văn khoa ĐH Sorbonne, hiện định cư tại Pháp.Chị là một trong những nhà văn người Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài.

Nhà văn Thuận là một trong bảy thành viên ban giám khảo cuộc thi viết "Việt Nam - mùa thứ năm".



Các tác phẩm đã xuất bản:


Tác phẩm viết:

- Tiểu thuyết Made inVietnam, nhà xuất bản Văn Mới, California, 2002

- Tiểu thuyết Chinatown, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005

- Tiểu thuyết Paris 11 tháng 8, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006

- Tiểu thuyết T mất tích, nhà xuất bản Văn học, 2007

- Tiểu thuyết Vân Vy, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2008

- Tiểu thuyết Chinatown, Đoàn Cầm Thi dịch, nhà xuất bản Seuil, 2009

- Tiểu thuyết Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2015


Tác phẩm dịch:

- Xạ thủ nằm bắn, nhàxuất bản Văn học, 2007

- Ba gã cần khử, nhàxuất bản Văn học, 2008

Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page