top of page

TOP10 - Bài tiếng Việt: VN029


Để chọn bài này cho Giải Công chúng, hãy gửi code "VN029 - Giải công chúng" cho chúng tôi qua email: concoursdecriturevietnam@gmail.com.






Thả diều bằng sáu sợi dây


“Quê hương là cánh diều biếc- Tuổi thơ con thả trên đồng”

(trích thơ Đỗ Trung Quân)



Không có một định nghĩa chung về quê hương vì ai cũng có một định nghĩa riêng của mình. Quê hương khi cụ thể là mẹ cha, gia đình, bè bạn, khi rộng mênh mông trên những vùng đất có dịp đặt chân qua. Khi ẩn hiện trong những hoài niệm. Khi huyền bí trong cõi tâm linh mơ hồ. Thế nhưng nếu ví Việt Nam như một cánh diều, tôi sẽ phải kết nối cánh diều trên không trung ấy bằng sáu sợi dây. Sáu sợi dây đó chính là sáu giác quan cảm nhận riêng về quê hương từ những mảnh ghép của ký ức. Khi nhìn thấy, khi nghe thấy, khi nếm thấy, khi ngửi thấy, khi chạm thấy và khi cảm thấy. Mỗi giác quan đem lại một cảm giác thật riêng về Việt Nam và dù ở những ở góc nhìn nào, quê hương tuổi thơ cũng lung linh đầy cảm xúc.




Sợi dây thứ nhất

Những tấm hình vẹn nguyên


Những khung hình lưu bằng đôi mắt lại chính là những tấm hình tuyệt đẹp và chân thật nhất về những vùng đất tôi đi qua trong những lần đi du lịch hay công tác.


Tôi nhớ ruộng bậc thang trên sườn đồi ở vùng núi phía Bắc quanh quanh uốn lượn như nối tận lên lưng trời. Nhớ mùa đông ngắm đồng hoa tam giác mạch trắng hồng bạt ngàn, tít tắp tận trên cao nguyên đá Hà Giang. Nhớ cái cảm giác “cúi mặt chạm đất, với tay chạm trời” trên cổng trời Quảng Bạ. Tôi nhớ những con phố Hải Phòng rực rỡ hoa phượng đỏ mỗi tháng năm. Nhớ quán hoa cổ kính đẹp lạ lùng trong buổi chiều hè. Tôi nhớ Hạ Long với những hòn đảo mộng mơ trên mặt biển trong xanh, gợi nhớ truyền thuyết về nơi rồng trú ngụ trên biển. Những hang động đá vôi kỳ thú như một kiệt tác hoàn hảo của thiên nhiên. Tôi nhớ Hồ Hoàn Kiếm trong xanh nằm giữa lòng thủ đô, lưu giữ huyền tích Lê Lợi trả gươm báu cho rùa vàng. Nơi ấy, mỗi sáng sớm mờ sương, có những người đi bộ dọc theo tán cây lộc vừng ven hồ, những người quẩy gánh hàng rong, những ông cụ dựng xe đạp, đọc báo thong dong trên ghế đá. Tôi nhớ rừng quốc gia Kẻ Bàng hoang sơ và động Phong Nha kỳ thú ở Quảng Bình. Tôi nhớ cung điện, lăng tẩm, đền đài cổ kính xứ Huế, chùa Thiên Mụ mộng mơ có tiếng chuông chùa vọng vang mỗi chiều tà. Tôi nhớ phố cổ Hội An bên hạ lưu con sông Thu Bồn, Quảng Nam. Những con phố nhỏ hẹp với những kiến trúc giao thoa từ nhiều nền văn hoá từ thế kỷ 17, lung linh trong ánh đèn lồng ban đêm như một thế giới cố tích. Tôi nhớ biển xanh hoang sơ của mũi Né ở Bình Thuận với đồi cát trải dài như sa mạc và những làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam. Tôi nhớ hòn đảo Phú Quốc ở Kiên Giang có sóng xanh biếc, cát trắng phẳng lỳ, những rạng san hô đẹp đến mê hồn. Tôi nhớ cái trù mật của đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những con kênh, rạch, cù lao đi vào thơ ca, nơi quanh năm hoa trái rực rỡ. Tất cả những nơi đi qua, những nơi in dấu chân, đã khắc sâu trong tâm trí.


Những mảnh đất ấy, dù là những cảnh sắc dù của tự nhiên ưu ái hay của bàn tay con người tạo ra, đều là những bức tranh tuyệt đẹp về mảnh đất hình chữ S duyên dáng này.





Sợi dây thứ hai

Lặng nghe êm đềm điệu hát chèo


Ngày bé, tôi nhớ rằng cứ mỗi lần nghỉ hè về quê, là lại có dịp được đi xem hát chèo. Đoàn chèo biểu diễn ít lắm, một năm đôi ba lần, chủ yếu là vào hè. Bà thích nghe hát chèo, mà thời đó, làng quê không có nhiều chương trình giải trí như bây giờ nên mỗi lần có biểu diễn ở làng là vui như hội. Hôm ấy, bà nấu cơm cho cả nhà ăn thật sớm. Trời mới sâm sẩm tối, hai chị em theo bà ra ngoài sân đình xếp chỗ. Cả làng ngồi chật kín, người lớn ai cũng chăm chú xem. Chỉ có bọn trẻ con chỉ ngồi được một lúc lại mải chạy nhảy lăng xăng, nghe câu được, câu mất. Ấy thế mà, đêm hè, nằm trên chõng tre nóng không ngủ được, cứ nghe tiếng hát ở quanh quẩn đâu đây: “í a…Đào liễu có một mình- Em đi đâu hỡi cô nàng ơi…”. Lời hát chèo vẫn êm ái, ngọt ngào, mượt mà, mà nhấn sâu vào lòng người như thế.


Đêm nay, có bóng trăng soi ngoài hiên, chiếu rọi góc vườn nhà, tôi nhìn thấy hình ảnh bà dắt hai chị em, hoà trong mọi người cùng làng đi trên đường đất, ai cũng hân hoan, bàn tán: “Cô văn công lần trước xinh đáo để, lại hát hay. Tối nay không biết họ diễn bài gì, chị có biết không không nhỉ?” Tôi nghe tiếng bà ru theo điệu hát chèo xa xăm. Tôi nghe tiếng trống chèo giục giã mở màn, tiếng hát chèo bên sân đình văng vẳng khúc Đào liễu“… Yếm thời nàng vẫn còn màu- Thế mà răng đen cô nàng da trắng- cái mái đầu cô hãy còn xanh dịu dàng, í a….”.

Tiếng khèn trong đêm khuya


Năm 18 tuổi, tôi theo mẹ lên Sapa. Xe lên muộn nên đến tận gần 12 giờ đêm mới đến nơi, chợ phiên đã tàn, người đã rã bạn. Sương đêm buốt giá giăng trên bờ tường đá rêu trơn của nhà thờ cổ, trên con đường gồ ghề, lượn quanh. Tôi đứng co ro trông hành lý đợi mẹ cạnh bờ tường có lối dẫn xuống chợ. Trong ánh trăng và hơi lạnh phả trong mù sương, có một người đứng một mình bên bậc thang sâu hun hút, thổi khèn, liêu trai đến kỳ lạ. Tiếng khèn dìu dặt, réo rắt, lúc ẩn, lúc hiện trong màn đêm tĩnh mịch. Cái đêm huyền diệu ấy, tiếng khèn nghe sao thổn thức, chất chứa những cảm xúc tha thiết, bồi hồi mà rạo rực của cậu thanh niên mà tôi đoán rằng đó là người H’Mông. Tôi không nghe được đến lúc cuối cùng vì phải xách đồ đi. Mỗi bước dù thật chậm cũng không níu lại được âm thanh của tiếng khèn dần xa, dần xa. Lần đầu tiên được nghe tiếng khèn trong đêm chợ phiên sao hay đến vậy.


Sau này tôi lên Sapa nhiều lần, tìm đúng ngày có chợ phiên, nán lại thật muộn để mong có lần may mắn được nghe lại tiếng khèn nửa đêm nhưng không bao giờ có lần thứ hai nữa. Giai âm của tiếng khèn năm ấy đánh thức tiếng lòng tôi mỗi lẫn nhớ đến thành phố hoang sơ, e ấp nhưng rực rỡ sắc mầu của các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Thái, Xá Phó giữa đại ngàn Tây Bắc.





Sợi dây thứ ba

Hương vị quê nhà, ngọt ngon canh rau tập tàng mẹ nấu


“Rau tập tàng ngon, con tập tàng khôn” (tục ngữ)


Sau mỗi cơn mưa rào mùa hạ, rau ngoài vườn lên xanh rì, mẹ nấu canh rau tập tàng với tôm. Mẹ bảo đây là không chỉ là canh ngon mà còn là thuốc Nam nữa. Tôi không biết canh bổ như thế nào chỉ nhớ cái vị chan chát của rau sam, vị thanh thanh của rau má, vị nồng nồng của rau dền, vị ngọt mát của rau ngót hoà quyện cùng với cái ngọt thanh của tôm đồng mẹ giã nhuyễn, thành một món canh dịu mát giữa mùa hè.

Canh rau tập tàng không chỉ có ở miền Bắc, sau này tôi còn được nếm thử ở những làng quê miền Trung, miền Nam. Mỗi nơi có thêm nhiều loại rau khác như mồng tơi, lá lốt, rau trai, mã đề, ngò tàu, lá ngổ, nấu với cá rô hay cua đồng tuỳ theo từng vùng. Có lẽ bởi cái nguyên liệu bình dị như chính tên gọi của nó rau “tập tàng” (rau dại thập cẩm), cái thứ rau hiện diện ở khắp nơi, trong khu vườn quê, đồng ruộng, gò bãi cát bên sông, rìa mương như cỏ dại nên món canh bình dị ấy gắn bó với tất cả những con người miền thôn quê đất Việt.





Sợi dây thứ tư

Mùi hương kỳ lạ, mùi Tết


Ấy là mùi nhang mẹ thắp những ngày đầu năm cuối năm.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết, mẹ bày mâm ngũ quả, sửa soạn cành đào đến tận 1- 2 giờ đêm, xong mẹ thắp hương trầm cho nhà thêm ấm cúng. Trong không khí thanh tịnh của đêm những ngày giáp tết, ngồi giữa bố mẹ, anh chị ngắm hoa đào, ngắm ban thờ được trang trí cẩn thận, tươm tất và ngửi mùi hương thơm, thấy trong lòng ấm áp. Cũng thật lạ, cũng hương ấy mà thắp hương ngày thường thấy khác, những ngày tháng Chạp khác và những ngày cận Tết lại càng khác nữa. Cái mùi khói nhang hoà quyện với, hương thơm ngọt của trái quả dâng trên ban thờ, hương dịu nồng của nước lá mùi mẹ đun tắm cho cả nhà những ngày cuối năm, hương hăng hắc của cành củi toả ra từ bếp luộc bánh chưng, hương dẻo thơm của mùi bánh chưng gói bằng lá dong xanh mướt, để thành một thứ hương thơm đến khó tả, chỉ biết gọi đó là mùi tết.

Cái mùi hương kỳ lạ ấy neo đậu trong lòng người để rồi 10 năm, 20 năm, rồi 30, 40 năm hoặc hơn nữa, tôi vẫn sẽ cố gắng tìm lại vào mỗi ngày Tết cổ truyền như cách để neo lại ký ức bình yên.

Mùi tháng 6, mùi lúa gặt ngoài đồng

Cái thưở thơ bé, không biết đến một ngày làm đồng nhưng mỗi mùa gặt về, bố mẹ lại cho về thăm ông bà để không quên cuộc sống nơi thôn quê. Trong cái nắng gay gắt giữa hè, lũ trẻ con nhọ nhem, mặc quần hở rốn, đội nón lá chạy ra cánh đồng, nô nghịch vật lộn trên những dải rơm mới tuốt chưa kịp mang ra phơi, hít hà mùi hương thơm thanh nhẹ, ngan ngát. Ông bà dặn thân rơm sần sùi cọ vào da thịt dặm lắm, nhưng chả đứa nào nghe, để tối về cuống cuồng dội nước ngoài giếng mát lạnh cho đỡ ngứa.

Vào mùa, mùi hương của lúa mới bay trên khắp đường làng, trên cả mái tóc, vạt áo bết mồ hôi, quện vào nồi cơm dẻo thơm bà nấu.

Thời gian trôi đi, ông bà cũng đã khuất bóng. Cuộc sống cứ quấn tôi đi để rồi trong phút giây, chợt ước gì được chạy chơi trên cánh đồng vô tư như thưở còn ấu thơ, quấn mình trong mùi hương đồng quê tháng 6.





Sợi dây thứ năm

Chạm vào từng đường tơ lụa Hà Đông


Năm tôi bắt đầu lên cấp 3, mẹ dẫn đi may áo dài, đánh dấu một chặng bắt đầu là nữ sinh trung học. Mẹ cầu kỳ dẫn đến tận làng lụa Hà Đông (còn gọi là Vạn Phúc) tìm thứ vải lụa đẹp nhất). Vạn Phúc là làng nhỏ trù phú bên bờ sông Nhuệ, Hà Nội, một làng quê vẫn giữ những nét cổ kính đặc trưng Bắc Bộ với cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình. Ngắm dọc từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng thấy vải đủ màu sắc, nào lụa, là, gấm, vóc, tơ, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Nổi tiếng nhất là lụa Vân, hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt. Mẹ nói may áo bằng lụa Vân cho yêu kiều. Chạm lên tấm lụa trắng thấy mắt lạnh, hoa văn gợn dưới tay. Cái thứ vải tơ ấy cũng thật lạ, mặc mùa đông thì ấm ấp, mùa hè thì mát mẻ nên áo dài của tôi lúc nào cũng thoải mái, dễ chịu. Sau này khi trưởng thành, áo dài cũng đổi màu, chỉ có lụa vải tơ tằm Hà Đông vẫn luôn được chọn. Chạm vào tấm lụa là thấy cái mượt mà, tinh tế của từng đường dệt của người thợ tài hoa Hà Nội. Ấy thế mà có bài hát của Ngô Thuỵ Miên rằng:

“ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát- Bởi vì em mang áo lụa Hà Đông…”





Sợi dây thứ sáu

Tâm linh


Có hôm, nửa đêm gần 12 giờ làm việc đến khuya, chưa kịp ngủ bỗng thấy điện thoại mẹ gọi nói con dậy chưa, hôm nay là mùng một, con nhớ thắp hương nhé. Nhìn quyển lịch âm vẫn thấy là ngày 30, chợt bật cười. Mẹ vẫn hay nhầm như thế. Hôm nay ở Việt nam vẫn là hôm qua của Pháp. Đêm ở nơi đây là ngày ở bên kia. Cái khoảng cách xa nhau về địa lý, thời gian nhưng cũng không thể bỏ được thói quen thắp hương ngày mùng một, hôm rằm, lễ tết như ở hồi còn ở nhà. Không có bát hương thờ tổ tiên, tôi chỉ sắp ít hoa quả, để ba chén nước trong, cắm 3 nén hương trên ống gạo, đặt ở ngoài hiên, hướng về phía Nam mà vái lạy như thói quen khó bỏ. Có hôm vội chỉ kịp thắp hương.

Hồi còn bé xem mẹ sắp cỗ, thấy lúc nào hoa quả, bánh trái cũng phải sạch sẽ. Hoa trót rơi xuống đất, phải để lại không dùng nữa. Đồ cúng không được ăn trước, dù chỉ là thừa lại. Thấy mẹ thổi xôi, đơm ra đĩa, nhìn cháy trong nồi mà thèm, nhưng cũng không được ăn. Hồi bé mẹ dặn vậy, chỉ biết thế, sau rồi dần lớn mới hiểu ra…

Ở đất nước mà “hàng năm ăn đâu làm đâu, cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”(Nguyễn Khoa Điềm), người sống và người đã mất trong cùng huyết thống có một sợi dây gắn kết bằng tâm linh, thờ cúng giỗ tổ tiên đã thành một đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Thắp hương hướng về tổ tiên một mặt vì tin rằng người đã khuất vẫn chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, phù hộ hay qưở trách cuộc sống của mình nhưng mặt khác cũng là cách mà bản thân mỗi người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Tín ngưỡng ấy gắn bó con người trong mối liên hệ dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ, họ chồng, rộng hơn nữa là thờ chung một thuỷ tổ của dòng họ, hay quốc tổ của đất nước, nó thể hiện lòng tôn kính với những người đã khuất và chữ hiếu của người còn sống.


…Hôm nay là ngày rằm, xin hướng về phương Nam vái lạy 3 lần….

Chiêm ngẫm trong cuộc đời mới thấy rằng cái không hiện hữu và không còn hiện hữu lại là thứ tồn tại mãi mãi. Linh hồn Việt, tâm linh Việt tự kết nối con người với mảnh đất quê hương. Những thăng trầm của cuộc đời, những đổi thay của thế cuộc, con tạo vần xoay cũng sẽ qua, chỉ dòng máu Việt chảy trong mỗi người không ngừng chảy. Sống trên mảnh đất xứ người, nghĩ về cố hương, có người nhớ, có người quên, có người chỉ còn thấy lờ mờ trong kỷ niệm, có người tạm gác ký ức vì bao bộn bề mưu sinh hàng ngày nơi đất khách, âu cũng là lẽ thường tình của cuộc sống. Chỉ biết rằng, cái gốc gác, bản thể, cái cội nguồn thì dù thế nào, cũng có lúc gần đến giây phút nhắm mắt xuôi tay, sẽ quay trở lại.



Sáu sợi dây kết nối từ ký ức, gợi lại trong tôi những cảm xúc về mảnh đất yêu thương. Không bao giờ là đủ khi nhắc đến quê hương, chẳng bao giờ vơi cạn với tình cảm với những gì đã gắn bó ruột thịt, chỉ biết rằng, tôi muốn giữ cánh diều của riêng mình. Để đừng bao giờ tuột mất!


Đứng lặng trong công viên ngày nắng ở một vùng đất thật xa, tôi thấy trên cánh đồng xanh có cánh diều vi vút…


Featured Review
Tag Cloud
Pas encore de mots-clés.
Thông tin cần biết của Cuộc thi
Informations pratiques du Concours
Revenez bientôt
Dès que de nouveaux posts seront publiés, vous les verrez ici.
bottom of page